Quấy rối tình dục ở công sở: Trong văn hóa Việt, nạn nhân luôn là người bị thiệt đầu tiên

Quấy rối tình dục ở công sở: Trong văn hóa Việt, nạn nhân luôn là người bị thiệt đầu tiên

Nhiều người thường nói “Im lặng là vàng” nhưng với các nạn nhân quấy rối tình dục, sự im lặng không phải là vàng. Sự im lặng ở đây là sự chịu đựng, sự bất hạnh, là những bất công mà nạn nhân phải nhịn nhục.

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi giật mình trước nghi án một nữ cộng tác viên của báo Tuổi trẻ bị trưởng ban quấy rối tình dục. Và cũng từ đây, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, những dòng tâm sự đầy cay đắng của những người phụ nữ – những nạn nhân trong các vụ quấy rối tình dục khác được chia sẻ rất nhiều.

Những người phụ nữ ấy đều đang loay hoay trong chính câu chuyện đầy bế tắc của mình. Họ không biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào để thoát ra khỏi nỗi sợ hãi, thoát ra khỏi cái bóng của kẻ quấy rối. 

Nhân chủ đề chưa bao giờ cũ này, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với thạc sĩ Đinh Thái Sơn – một chuyên gia có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo Tình dục học ở Việt Nam.

Với các nạn nhân bị quấy rối tình dục, không bao giờ người ta lựa chọn im lặng để hạnh phúc cả

Hôm qua tôi nhận được tin nhắn của một người nạn nhân quấy rối tình dục ở công sở. Đồng nghiệp nam thể hiện thích ra mặt.

Nạn nhân bị quấy rối tình dục cảm thấy rất khó chịu, không ai muốn làm việc trong môi trường không thân thiện, đặc biệt điều này được gây ra bởi đồng nghiệp nam, nhất là sếp.

Những người này hay có những hành vi mời chào công khai như thường xuyên rủ đi uống cà phê cùng hoặc “ra đây đi cả nhóm anh đang đợi”, thể hiện sự thích ra mặt mặc dù biết cô này có gia đình nhưng vẫn tấn công rất dữ dội”, thạc sĩ Thái Sơn đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng một trường hợp cụ thể mà anh biết. 

Theo anh, kịch bản quấy rối tình dục nơi công sở thường khá giống nhau, phụ nữ chủ yếu là nạn nhân và đàn ông là tác nhân gây ra hành vi quấy rối.

Ban đầu việc này diễn ra với mức độ nhẹ nhàng như lời nói, rồi cử chỉ gây ra sự khó chịu. Nhưng đôi khi sẽ đẩy xa hơn tới sự đụng chạm, sàm sỡ, thậm chí thúc ép gây ra những áp lực nhất định trong phòng riêng chỉ có hai người.

Quấy rối tình dục ở công sở không hiếm. Điều quan trọng là nạn nhân có nói ra là họ bị hay không và nói với ai”, thạc sĩ cho hay. “Rất nhiều người đang chọn sự im lặng, không chia sẻ với ngay cả những người thân nhất như chồng”.

Quấy rối tình dục ở công sở: Trong văn hóa Việt, nạn nhân luôn là người bị thiệt đầu tiên - Ảnh 1.

Theo quan điểm của thạc sĩ, im lặng trong trường hợp này không phải là một giải pháp tốt. Bình thường nạn nhân là người phải được pháp luật bảo vệ nhưng những nạn nhân tình dục trong văn hóa Việt Nam luôn luôn là những người bị thiệt đầu tiên.

Họ thường nghĩ: “Chưa được vạ mà má đã sưng”, chưa biết pháp luật có thể bảo vệ họ đến đâu nhưng thông tin của họ đã bị lộ và những người xung quanh đã có cái nhìn thiếu thiện cảm với chính nạn nhân rồi.

Đôi khi người phụ nữ muốn kể với chồng để mong nhận được sự bao dung nhưng có khi người chồng nghe xong đã muốn bỏ vợ ngay vì không thể chấp nhận được chuyện vợ mình bị người đàn ông khác sàm sỡ hay quấy rối. 

Người phụ nữ lo sợ trước những kịch bản sẽ liên tiếp ập tới khi họ nói ra. Họ sợ bị thiệt nhiều mặt nên chọn cách im lặng.

Bên cạnh đó, một số người phụ nữ bị quấy rối tình dục đang có địa vị tốt trong xã hội và họ muốn bảo vệ hình ảnh đó nên chọn im lặng. Bản thân kẻ xấu cũng là những tên cáo già, chúng biết “con mồi” của mình muốn bảo vệ hình ảnh nên khả năng chọn im lặng cho qua là rất lớn

Mặt khác, việc bảo mật thông tin của người phụ nữ khi họ công khai lên án kẻ xấu có hoàn toàn được bảo mật hay không cũng là điều khiến họ do dự khi lên tiếng.

Nhiều người thường nói “Im lặng là vàng” nhưng với các nạn nhân quấy rối tình dục, sự im lặng không phải là vàng. Sự im lặng ở đây là sự chịu đựng, sự bất hạnh, là những bất công mà nạn nhân phải nhịn nhục.

Sự im lặng còn đồng nghĩa với những nỗi đau, những điều bế tắc nạn nhân không biết chia sẻ cùng ai. Không bao giờ người ta lựa chọn im lặng để hạnh phúc cả.

Cũng theo chuyên gia Đinh Thái Sơn, có những người tự nhận mình là người hiện đại, hấp dẫn và tự làm chủ cuộc đời nhưng thực tế thì không phải vậy. Làm chủ ở đâu khi những nỗi đau thì bạn im lặng giấu đi, những thứ cần nói ra thì chẳng bao giờ lên tiếng.

Ở Việt Nam đang có tình trạng nhìn bề ngoài thì rất cởi mở, tự do nhưng những vấn đề liên quan đến tình dục thì không nói bởi vì coi đây là điều nhạy cảm.

Phụ nữ đừng trông đợi ai bảo vệ mình

Nhiều ý kiến cho rằng chọn cách phản ứng như thế nào khi bị quấy rối tình dục còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Người phụ nữ mềm yếu có thể chọn cách bỏ qua cho xong hoặc nghỉ việc, những người mạnh dạn hơn sẽ chọn cách phản kháng.

Chuyên gia Đinh Thái Sơn nhận định câu chuyện phản kháng như thế nào cũng được coi là một kĩ năng. Anh đặc biệt nhấn mạnh người bảo vệ nạn nhân không ai khác ngoài chính bản thân họ.

Chúng ta phải bảo vệ chính chúng ta, đừng trông đợi ai. Bố mẹ hay luật sư cũng không “sát sườn” lắm”.

Quấy rối tình dục ở công sở: Trong văn hóa Việt, nạn nhân luôn là người bị thiệt đầu tiên - Ảnh 3.

Trước hết phải phát đi cảnh báo. Lưu lại toàn bộ tin nhắn, cuộc gọi mà kẻ quấy rối đã gửi. Nhiều phụ nữ vội xóa đi vì sợ, điều đó là không nên. Bên cạnh đó, để máy ghi âm trong túi xách, tư trang để ghi lại nhiều bằng chứng nhất có thể.

Đưa bằng chứng cùng lời cảnh báo với kẻ xấu rằng hành vi của chúng đang làm bạn khó chịu. Nếu chúng không dừng ngay, bạn sẽ báo Công an. Điều đó sẽ làm kẻ quấy rối phải lo sợ.

Bỏ việc là giải pháp cuối cùng sau tất cả những nỗ lực vạch trần kẻ quấy rối tình dục. Đến lúc này bạn phải chấp nhận đánh đổi. Chẳng có môi trường nào tồn tại những kẻ quấy rối tình dục lại là tốt để bạn phát triển cả.

Qua đây, chuyên gia Thái Sơn cũng muốn nhấn mạnh thông điệp: “Dù trong bất cứ môi trường nào, phụ nữ phải nói lên tiếng nói của bản thân và để tiếng nói có hiệu quả thì phải có bằng chứng.

Đừng coi rằng những gì liên quan đến tình dục là đáng xấu hổ. Tính mạng, nhân phẩm quan trọng hơn sự xấu hổ.

Bên cạnh đó, quyền được bảo vệ và quyền bất khả xâm phạm là hai quyền quan trọng cần được nhận thức đúng. Thậm chí một đứa trẻ khi nói không thích người khác động vào mình thì ngay cả bố mẹ cũng không có quyền đụng vào chúng”.

Quấy rối tình dục ở công sở: Trong văn hóa Việt, nạn nhân luôn là người bị thiệt đầu tiên - Ảnh 4.

Ngay cả những hành động quấy rối tình dục ở mức độ nhẹ cũng là xâm phạm thân thể và cần được cảnh báo. Chứ đừng để đến khi nâng lên mức độ phức tạp hơn mới… tính tiếp thì có lẽ đã muộn.

Chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi vậy thì pháp luật sẽ hậu thuẫn như thế nào cho 2 quyền này. Và việc thực thi hiện đã đi đến đâu. Nếu nạn nhân đã cố gắng bảo vệ bản thân đến cùng rồi thì việc còn lại là của pháp luật. Đừng để nạn nhân phải gồng mình làm thay công việc của lực lượng chức năng.  

theo Trí Thức Trẻ

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *