Văn hóa hiếp dâm

Có khi nào chúng ta nhận ra rằng, chúng ta đang sống trong một xã hội mà Văn hóa hiếp dâm đang tồn tại song hành không? Bạn có nhận ra điều đó không? Chắc khó nhận ra bởi vì các nạn nhân bị hiếp dâm đều chọn cách im lặng.
Có phải văn hóa của chúng ta, lối sống của chúng ta đang dung túng cho sự im lặng đó???

Hãy nghiền ngẫm điều này và nhận dạng mọi thứ xung quanh mà xem. Văn hóa hiếp dâm là một môi trường mà nạn hiếp dâm phổ biến và trong đó bạo lực tình dục đối với phụ nữ được bình thường hóa và được bào chữa trên các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng. Văn hóa hiếp dâm được tiếp tục tồn tại thông qua việc sử dụng ngôn ngữ sai lệch, lạm dụng hóa cơ thể phụ nữ, phô trương bạo lực tình dục, trêu chọc quấy rối tình dục phụ nữ. Những điều đó tạo ra một xã hội coi thường quyền và sự an toàn của phụ nữ.

Việc cưỡng hiếp phụ nữ là một sự suy đồi đạo đức và là nỗi kinh hoàng với tất cả phụ nữ. Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái đều phải cẩn trọng hành vi của họ vì sự tồn tại của hiếp dâm luôn ẩn nấp đâu đó trong cuộc sống, trong khi nam giới thoải mái hơn rất nhiều. Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái đều sống trong nỗi sợ hãi bị hãm hiếp và quấy rối tình dục. Khi chuyện xảy ra thì chỉ có rất ít nạn nhân dám lên tiếng tố cáo còn đa số còn lại chọn sự im lặng.

Theo số liệu nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam năm 2010 và 2019 cùng nêu con số đáng chú ý, hơn 90% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới không tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan chức năng. Chỉ có khoảng 5% tìm đến cơ quan công an, là những vụ không thể giấu nổi. Lý do chính là nạn nhân đã cân nhắc đến việc nếu lên tiếng, họ sợ MỘT LẦN NỮA SẼ BỊ BẠO HÀNH VÀ HIẾP DÂM TỪ DƯ LUẬN XÃ HỘI, CỘNG ĐỒNG VÀ LẦN BẠO HÀNH NÀY CÒN NGHIÊM TRỌNG HƠN VIỆC MÀ HỌ ĐÃ TRẢI QUA.

Thật là mỉa mai khi người bị bạo hành, bị xâm hại đã là nạn nhân, giờ lại bị “nạn nhân hóa” một lần nữa khi dư luận phán xét, chia họ vào nhóm “đáng được bảo vệ” hay “không đáng được bảo vệ”. Dường như dư luận chỉ bảo vệ nạn nhân theo khuôn mẫu của họ, phải là “gái ngoan”.

Thay vì chúng ta phải bảo vệ và đứng về phía nạn nhân thì chúng ta có lại đổ lỗi cho những nạn nhân bằng những chỉ trích như sau:
– Ăn mặc cũng mát mẻ và hở hang lắm cơ
– Biết mình có tí nhan sắc nên cũng ưỡn ẹo
– Là thân gái còn không biết giữ thì bị hiếp là phải
– Thấy đàn ông mắt cũng sáng lên
– Không có lửa thì sao có khói
– Thân gái đêm hôm còn tụ tập đàn đúm
– …
Với một tư duy văn hóa như vậy thì khi nạn nhân đến tố cáo, câu trả lời nhận về có thể là: “Đó là do lỗi của anh/của chị” và sự việc không được xử lý.
Nhiều tội phạm tình dục khó bị xử lý hoặc việc xử lý không hiệu quả là bởi những lý do trên. Đó là sự lảng tránh của những người có trách nhiệm và xã hội tạo sức ép đổ lỗi cho nạn nhân khiến cho người xử lý cũng chùn tay. Ngày càng có nhiều công cụ, phương tiện như mạng xã hội khiến cho việc đổ lỗi trở nên dễ dàng và nghiêm trọng hơn. Đó là thực tế nhức nhối ở Việt Nam.

Theo như bà Vân Anh – Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Khoa Học Về Giới-Gia đình-Phụ Nữ Và Vị Thành Niên:
“Trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều Tú Bà như thế. Đổ lỗi cho người bị cưỡng hiếp là một sự sỉ nhục nhân phẩm mà có thể đẩy nạn nhân đến tâm thế thấy sự sống của bản thân không còn ý nghĩa”.

Theo như Truyện Kiều của Nguyễn Du thì Tú Bà là người đổ lỗi cho nạn nhân nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Vì là bà chủ lầu xanh, Tú Bà đã quy kết Thúy Kiều: “Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!”. Đó là câu nói nghi vấn, mỉa mai kiểu “không có lửa sao có khói” một cách hết sức độc địa, suy đoán nạn nhân rằng lẳng lơ, đĩ thõa là bản chất. Quy kết bản chất của nạn nhân là cách đổ lỗi khủng khiếp nhất, tàn độc nhất.

Tóm lại, Nạn nhân bị hiếp dâm và quấy rối tình dục KHÔNG BAO GIỜ SAI CẢ. Họ cần được bảo vệ chứ không phải bị chỉ trích về lý do dẫn đến bị hiếp dâm (sự dễ dãi, hở hang, lẳng lơ, thả thính…). Nạn nhân có thể chính là những người thân yêu ruột thịt của chúng ta đấy các bạn ạ. Tất cả chúng ta phải chung tay cùng ủng hộ những hoạt động cộng đồng để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Một xã hội văn minh là nơi những phụ nữ và trẻ em phải được an toàn tình dục.

Chuyên gia Đinh Thái Sơn

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *