Đừng nói ngày mai
– Mình yêu nhau đến khi nào?
– Đến đâu biết đến đấy!
Đó là câu trả lời của tôi nếu có cô gái nào hỏi, hoặc bạn có thể dùng cách đó để trả lời cho người yêu hay bạn đời của mình. Nghe có vẻ bất cần và thực dụng nhỉ? Đúng như vậy!
Người sống theo tình yêu là người không lo sợ về tương lai, người không lo sợ về kết quả, người chỉ biết sống Ở ĐÂY và LÚC NÀY. Không nghĩ về những điều sẽ xảy ra bên ngoài. Chỉ ở đây và sống trọn vẹn. Không tính toán. Người sống theo sợ hãi là người luôn tính toán, lên kế hoạch, chuẩn bị, đề phòng. Cả cuộc đời người ấy bị đánh mất theo cách như vậy.
Sống theo sợ hãi không thể nào đưa bạn đến mối quan hệ sâu sắc. Bạn vẫn cứ lo sợ, và người kia sẽ không thể nào bước vào tâm hồn bạn. Dù bạn cho phép người kia bước vào, những nỗi lo sợ kiến cho bức tường ngăn cản xuất hiện và mọi thứ dừng lại.
Tình yêu là của báu rất quý hiếm. Để hiểu được một người thấu tận tâm can, bạn phải trải qua một cuộc cách mạng, bởi nếu muốn hiểu thấu một người, bạn sẽ phải cho phép người đó hiểu thấu bạn. Bạn sẽ phải trở nên mong manh, hoàn toàn mong manh yếu đuối.
Yêu là cho người khác quyền làm tổn thương trái tim mình nhưng ta tin người đó sẽ không làm như vậy. Trên thực tế, ở giai đoạn vài tháng đầu của tình yêu, người trong cuộc đã yêu rất tốt, họ mở lòng đón nhận nhau không điều kiện. Nhưng càng về sau thì càng nhiều điều kiện được đặt ra đòi hỏi người kia phải đáp ứng và tình yêu đổ vỡ.
Ngay cả nhiều cặp vợ chồng sống với nhau nhiều năm vẫn có thể chỉ là những người quen biết. Chỉ quen biết thôi, thế mà nhiều chúng ta cho rằng đó là tình yêu. Họ có thể đã biết nhau. Và chính càng sống với nhau, họ càng quên bẵng rằng chưa hiểu rõ về tâm hồn của nhau. Có đúng là đang có nhiều cặp vợ chồng vẫn giữ kẽ và không thành thật với nhau phải không các bạn? Họ vẫn đề phòng người kia vì sợ hãi mất một điều gì đó. Họ không dám cởi mở tâm hồn hoàn toàn, việc đó quá mạo hiểm. Họ sợ hãi.
Cho nên đừng xem các mối quan hệ quen biết đó là tình yêu. Không thể nhân danh mối quan hệ vợ chồng là tình yêu được. Bạn có thể đang yêu, đang có mối quan hệ thân xác tình dục, nhưng vẫn chưa đủ đâu. Chừng nào hai tâm hồn còn chưa gặp nhau thì tình dục cũng chỉ là sự gặp gỡ giữa hai thể xác. Và cuộc gặp gỡ giữa hai thể xác không phải là cuộc gặp gỡ thực sự. Bạn chỉ có thể để ai đó bước vào tâm hồn mình khi không còn lo sợ, không còn sợ hãi. Đó mới là tình yêu.
Khi bạn không sợ hãi, sẽ không có gì phải che giấu; khi đó, bạn có thể cởi mở, bạn có thể dỡ bỏ mọi hàng rào bao quanh. Và rồi bạn có thể mời người khác bước vào tâm hồn mình. Hãy nhớ, nếu bạn cho phép ai đó bước vào bên trong bạn, người đó sẽ cho phép bạn bước vào bên trong họ, bởi vì khi bạn cho phép họ bước vào, sự tin cậy đã được hình thành. Khi bạn không sợ hãi, người khác sẽ trở nên không sợ hãi.
Còn thực tế thì sao? Người chồng sợ vợ, người vợ sợ chồng. Những người đang yêu nhau sợ hãi. Thế nên đấy không phải là tình yêu. Đấy chỉ là sự dàn xếp, thỏa thuận giữa hai con người đầy sợ hãi phụ thuộc vào nhau, đấu tranh, lợi dụng, thao túng kiểm soát, lấn át, sở hữu – chứ không phải là tình yêu đích thực.
Tình yêu thật sự là khi ta yêu hết lòng với hiện tại, với ngày hôm nay, yêu mà không sợ hãi sẽ mất mát điều gì. Đó là hiểu biết! Dù bạn có nghĩ các kiểu thì ngày mai vẫn xảy ra diễn biến khôn lường theo cách của nó mà ta không thể hình dung nổi. Nhưng nếu trong hiện tại bạn yêu say đắm, không sợ mất mát điều gì, thì xác suất để tình yêu đó có một ngày mai tốt đẹp là rất cao.
Khi yêu với một tâm hồn cởi mở thì bạn sẽ không sợ mất mát gì nữa. Cho dù tình yêu ấy có đổ vỡ vì một ngày kia anh ấy/cô ấy ra đi thì bạn cũng không quá buồn và lưu luyến quá khứ nữa bởi bạn đã là người cho đi rộng lượng. Bạn biết ơn anh ấy/cô ấy vì đã đến với cuộc đời bạn, rồi chúc phúc cho họ được hạnh phúc với tình yêu mới. Người day dứt trong mối quan hệ chính là người chỉ biết nhận, chứ người cho đi thì rất nhẹ lòng. Nhiều người cứ lăn tăn với chuyện là ai đó sẽ lợi dụng mình trong tình yêu.
Từ trước tới nay chúng ta đã bị nhồi sọ về tình yêu vĩnh cửu, tình yêu bất tận, mà không hiểu rằng đó chỉ là những nỗi đau dai dẳng của ký ức. Đó là những mối tình đổ vỡ khi đang nồng nàn, những mối tình ngọt ngào nhưng đầy ngang trái, những mối tình quá sâu đậm mà không đến được với nhau, và những mối tình dang dở vì quá ghen tuông… Chính vì kết thúc không có hậu cho nên nỗi đau của nhân loại mãi lưu truyền trở thành một thứ tín ngưỡng về tình yêu, thần tượng hóa tình yêu thành bất tử. Có một cái gì đó mê muội ở đây.
Thực tế, những mối tình không thể quên đó không phải bởi người ấy quá tuyệt mà khiến bạn nhớ mãi, cũng không phải bạn yêu cái khoảng thời gian đã từng trải qua, mà bạn chỉ yêu cái phần non trẻ nhưng vẫn CHẤP MÊ BẤT NGỘ của chính mình. Nói đơn giản là bạn vẫn chưa buông bỏ được cái tôi tham lam và sân hận trong tình yêu đó.
Câu nói “Không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu” là như vậy. Tình yêu chính là hiện tại, chứ không phải quá khứ, cũng không phải tương lai. Không có chuyện ai là cả đời của ai cả vì tình yêu thường tính bằng thời điểm chứ không phải cả đời người. Cho nên hãy đón nhận tình cảm của nhau bằng hiện tại, chứ đừng nói quá nhiều về ngày mai. Hiện tại tốt thì mới có khả năng ngày mai tốt. Chẳng ai biết được mình có thể phản bội không, chỉ đơn giản cám dỗ hiện tại chưa đủ mạnh.
Hãy coi những điều trên như là những thuộc tính của cuộc sống và chúng ta trải nghiệm nó chứ đừng phán xét quá nhiều mà mất năng lượng của chính mình. Nếu đang yêu thì hãy cứ yêu đi, đừng nói chuyện ngày mai.
Tôi thích quan điểm của Steve Jobs: “Cần nhớ rằng việc bạn có thể chết sớm là cách thức tốt nhất để tránh cái bẫy của lối suy nghĩ cho rằng bạn sắp mất đi thứ gì đó. Thực tế bạn chẳng còn gì cả”.
Đúng vậy, bạn có gì để mất cơ chứ? Chẳng có gì cả. Thân xác này sẽ bị cái chết lấy đi; trước khi nó bị cái chết lấy đi, hãy cho nó tình yêu. Bất cứ thứ gì bạn có cũng sẽ bị lấy đi; trước khi nó bị lấy đi, vậy sao không chia sẻ nó? Đấy là cách duy nhất để sở hữu nó. Nếu có thể cho đi, bạn mới là người chủ sở hữu nó. Nó sẽ bị lấy đi – không gì có thể ở lại với bạn mãi mãi.
Sống để yêu, đừng dè xẻn.
Chuyên gia Đinh Thái Sơn
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!